THỰC HIỆN CÔNG VIỆC KHÔNG CÓ ỦY QUYỀN
Câu 1: Thế nào là thực hiện công việc không có ủy quyền?
- Theo Điều 574 BLDS 2015 thì: “Thực hiện công việc không có ủy quyền là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó vì lợi ích của người có công việc được thực hiện khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối.”
Câu 2: Vì sao thực hiện công việc không có ủy quyền là căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự?
- Trên thực tế, không phải trường hợp nào một người thực hiện một dịch vụ, một việc có lợi cho người khác cũng đều dựa trên cơ sở hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật. Với tinh thần tương thân, tương ái vì cộng đồng, có nhiều trường hợp cá nhân đã tự ý, tự nguyện thực hiện công việc của người khác vì lợi ích của người khác, đó chính là trường hợp thực hiện nghĩa vụ không có ủy quyền. Mặc dù thực hiện công việc không có ủy quyền không phát sinh từ thỏa thuận giữa các bên nhưng để nâng cao tinh thần trách nhiệm và đồng thời bảo đảm quyền lợi của người thực hiện công việc, pháp luật dân sự quy định nghĩa vụ cho cả hai bên: người thực hiện công việc và người có công việc được thực hiện. Do đó, thực hiện công việc không có ủy quyền là căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự.
Câu 3: Các điều kiện để áp dụng chế định “thực hiện công việc không có ủy quyền” theo quy định của BLDS 2005 ? Phân tích từng điều kiện.
- Các điều kiện để áp dụng chế định “thực hiện công việc không có ủy quyền” theo quy định của BLDS là:
- Thứ nhất, việc thực hiện công việc không phải là nghĩa vụ do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định đối với người thực hiện công việc không có ủy quyền. Việc thực hiện công việc này là do người thực hiện hoàn toàn tự nguyện.
- Thứ hai, việc thực hiện công việc đó là vì lợi ích của người có công việc được thực hiện, chứ không phải vì lợi ích của người thực hiện công việc hoặc lợi ích của người thứ ba. Nếu người thực hiện công việc vì lợi ích của mình hoặc của người khác thì không áp dụng chế định này.
- Thứ ba, người có công việc được thực hiện không biết việc có người khác đang thực hiện công việc cho mình hoặc biết nhưng không phản đối thực hiện công việc đó.
- Thứ tư, nếu công việc đó mà không thực hiện ngay thì sẽ gây thiệt hại cho người có công việc cần được thực hiện.
Câu 4: Cho biết điểm mới của BLDS 2015 so với BLDS 2005 về chế định “thực hiện công việc không có ủy quyền”.
- Chế định “thực hiện công việc không có ủy quyền” được quy định tại Chương XVIII BLDS 2015 có những điểm mới so với chương XIX BLDS 2005 như sau:
- Về nghĩa vụ thực hiện công việc không có ủy quyền, tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 575 BLDS 2015 có quy định: “Người thực hiện công việc không có ủy quyền phải báo cho người có công việc được thực hiện về quá trình, kết quả thực hiện công việc nếu có yêu cầu, trừ trường hợp người có công việc đã biết hoặc người thực hiện công việc không có ủy quyền không biết nơi cư trú hoặc trụ sở của người đó.” (Khoản 3 Điều 575 BLDS 2015)
- “Trường hợp người có công việc được thực hiện chết, nếu là cá nhân hoặc chấm dứt tồn tại, nếu là pháp nhân thì người thực hiện công việc không có ủy quyền phải tiếp tục thực hiện công việc cho đến khi người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện đã tiếp nhận.” (Khoản 4 Điều 575 BLDS 2015)
- Đối chiếu với Khoản 3 và Khoản 4 Điều 595 BLDS 2005, ta thấy nhà làm luật đã bổ sung trường hợp người có công việc được thực hiện là pháp nhân. Cụ thể, Khoản 3 Điều 595 BLDS 2005 chỉ nêu trường hợp người thực hiện công việc không có ủy quyền phải báo cáo cho người có công việc được thực hiện về quá trình, kết quả thực hiện công việc nếu có yêu cầu, trừ trường hợp không biết nơi cư trú của người đó. Khoản 3 Điều 575 BLDS 2015 thêm cụm từ “hoặc trụ sở” của người đó. Khoản 4 Điều 595 BLDS 2005 chỉ nêu trường hợp người có công việc được thực hiện chết thì người thực hiện công việc không có ủy quyền phải thực hiện công việc cho đến khi người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện đã tiếp nhận. Khoản 4 Điều 575 BLDS 2015 đã bổ sung thêm trường hợp nếu người có công việc được thực hiện là pháp nhân bị chấm dứt tồn tại, và trong trường hợp này nghĩa vụ thực hiện công việc không có ủy quyền cũng được áp dụng tương tự như trường hợp người có công việc được thực hiện là cá nhân chết.
- Về chấm dứt thực hiện công việc không có ủy quyền. Khoản 4 Điều 578 BLDS 2015 quy định: “Người thực hiện công việc không có ủy quyền chết, nếu là cá nhân hoặc chấm dứt tồn tại, nếu là pháp nhân.”
- Nhà làm luật đã bổ sung trường hợp chấm dứt thực hiện công việc không có ủy quyền do pháp nhân chấm dứt tồn tại.
- Trước đây, tại Khoản 4 Điều 598 BLDS 2005 chỉ đề cập đến việc chấm dứt thực hiện công việc không có ủy quyền khi người thực hiện công việc không có ủy quyền là cá nhân chết.
- Các trường hợp chấm dứt còn lại không đổi.
- BLDS 2015 còn bổ sung thêm Điều 686 về Thực hiện công việc không có ủy quyền: “Các bên được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho việc thực hiện công việc không có ủy quyền. Trường hợp không có thỏa thuận thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi thực hiện công việc không có ủy quyền.”
- Tóm lại, BLDS 2015 đã quy định rộng hơn về phạm vi chủ thể là người có công việc được thực hiện trong thực hiện công việc không có ủy quyền, bao gồm cá nhân và pháp nhân, đồng thời bổ sung Điều 686 quy định về thực hiện công việc không có ủy quyền, giúp cho việc áp dụng pháp luật vào thực tế được dễ dàng hơn và tránh những bất cập.
Xem thêm Dân sự - Cá nhân mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự & Giám hộ
Xem thêm Tư cách pháp nhân và hệ quả pháp lý
Câu 5: Trong tình huống thứ nhất, nhà thầu C có thể yêu cầu chủ đầu tư A thực hiện những nghĩa vụ trên cơ sở các quy định của chế định “thực hiện công việc không có ủy quyền” không? Vì sao? Nêu cơ sở pháp lý khi trả lời.
- Điều 574 BLDS 2015 quy định: “Thực hiện công việc không có uỷ quyền là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó vì lợi ích của người có công việc được thực hiện khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối.” Như vậy :
- Để thực hiện công việc không có ủy quyền là căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự với quy định trên thì phải có một người “thực hiện công việc” của người khác và phải “khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối”. Trong tình huống nêu trên, ban quản lý dự án B mới chỉ ký hợp đồng với nhà thầu C, không nêu rõ C đã tiến hành xây dựng chưa.
- Trường hợp C chưa làm gì thì không thể yêu cầu A thực hiện những nghĩa vụ trên cơ sở các quy định của chế định thực hiện công việc không có ủy quyền.
- Trường hợp C đang xây dựng mà A biết và phản đối mà C vẫn làm thì C cũng không thể yêu cầu A thực hiện những nghĩa vụ trên cơ sở các quy định của chế định thực hiện công việc không có ủy quyền được.
- Trường hợp C đã xây dựng xong mà A không biết hoặc biết mà không phản đối thì lúc này điều kiện có một chủ thể thực hiện công việc của người khác và người này không biết hoặc biết mà không phản đối đã được thỏa mãn. Chúng ta xét đến những điều kiện khác.
- Với quy định tại Điều 574 BLDS 2015, người thực hiện công việc là “người không có nghĩa vụ thực hiện công việc đó”. Trong tình huống đã nêu, nhà thầu C thực hiện công việc là do đã ký hợp đồng với ban quản lý dự án B. Đối chiếu với người có công việc được thực hiện (chủ đầu tư A), nhà thầu C không có nghĩa vụ nào (giữa họ không có hợp đồng và không có quy định nào buộc C làm việc cho A) nhưng thực chất công việc mà C tiến hành là theo thỏa thuận với chủ thể khác (ban quản lý dự án B). Theo thực tiễn xét xử, điều kiện “không có nghĩa vụ thực hiện công việc” dường như chỉ được xem xét trong quan hệ giữa người thực hiện công việc và người có công việc được thực hiện; nếu công việc này được thực hiện theo yêu cầu của người thứ ba hay theo thỏa thuận với người thứ ba thì vẫn có thể vận dụng chế định thực hiện công việc không có ủy quyền. (Quyết định số 23/2003/HĐTP-DS ngày 29-7-2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao). Như vậy điều kiện người không có nghĩa vụ thực hiện công việc đó đã thỏa mãn.
- Theo định nghĩa tại Điều 574 BLDS 2015 thì chúng ta chỉ áp dụng chế định thực hiện công việc không có ủy quyền khi người thực hiện công việc tiến hành công việc này “hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc được thực hiện”, tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng người tiến hành công viêc cũng có lợi ích từ việc thực hiện vì nhà thầu C làm việc để thu lợi nhuận. (Trường hợp tương tự trong Quyết định số 23/2003/HĐTP-DS ngày 29-7-2003). Như vậy điều kiện này cũng được đảm bảo.
- Như vậy, khi nhà thầu C đã hoàn thành công việc thì có thể yêu cầu Chủ đầu tư A thực hiện những nghĩa vụ trên cơ sở các quy định của chế định “thực hiện công việc không có ủy quyền.”
Câu 6: Trong tình huống thứ hai, việc chị Tình thu hoạch và bán quả cho chị Ân có được xem là thực hiện công việc không có ủy quyền không? Giải thích? Giải quyết tình huống 2 này?
- Căn cứ theo Điều 574 BLDS 2015, việc chị Tình thu hoạch và bán quả cho chị Ân hoàn toàn đủ điều kiện để được xem là thực hiện công việc không có ủy quyền. Bởi chị Ân chỉ giao nhà cho chị Tình trông hộ, giữa hai người không hề có sự thỏa thuận gì về nghĩa vụ, chị Tình không có nghĩa vụ phải thực hiện việc thu hoạch và bán quả cho chị Ân nhưng chị Tình đã làm điều đó vì thấy vườn quả nhà chị Ân đã chín (nếu không thu hoạch và bán thì có khả năng quả sẽ bị hư hỏng). Việc làm này là do chị Tình tự nguyện làm và vì lợi ích của chị Ân, chị Ân cũng không được biết về việc chị Tình đã thu hoạch và bán quả trong vườn của mình.
- Ở tình huống này, theo Điều 577 BLDS 2015 về Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại thì có thể chị Tình phải bồi thường thiệt hại cho chị Ân. Cần xem xét việc chị Tình bán rẻ số quả đó là do vô ý hay cố ý. Nếu là cố ý thì chị Tình phải bồi thường thiệt hại theo Khoản 1 Điều 577 BLDS 2015. Nhưng nếu việc gây thiệt hại này là do vô ý thì theo Khoản 2 Điều 577 BLDS 2015, chị Tình sẽ được căn cứ vào hoàn cảnh đảm nhận công việc mà giảm mức bồi thường. Theo Khoản 1 Điều 575 BLDS 2015 thì người thực hiện công việc không có ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc phù hợp với khả năng điều kiện của mình. Có thể vào thời điểm ấy chị Tình đã thu hoạch và bán quả cho chị Ân trong khả năng của mình, đặt mình vào vị trí là chủ của khu vườn ấy, nếu chị là chị Ân thì chị cũng sẽ bán quả với mức giá như vậy nên theo em, nếu mức thiệt hại là không đáng kể và thiệt hại xảy ra do vô ý thì có thể chị Tình không cần phải bồi thường thiệt hại.
Xem thêm Dân sự - Bảo vệ quyền sở hữu
Xem thêm Dân sự - Đòi bất động sản từ người thứ ba
Xem thêm Dân sự - Lấn chiếm tài sản liền kề
Câu 7: Suy nghĩ của anh/chị về chế định Thực hiện công việc không có ủy quyền trong BLDS hiện hành (có nên sửa đổi hay không? Vì sao?).
- Chế định thực hiện công việc không có ủy quyền trong BLDS hiện hành (BLDS 2005) là khá hợp lý, đảm bảo truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta. Tuy nhiên, điều kiện áp dụng chế định thực hiện công việc không có ủy quyền còn khá chung chung dẫn đến những nhận thức khác nhau. Có thể hiểu điều kiện “hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc được thực hiện” theo hai cách khác nhau. Nghĩa thứ nhất là người thực hiện công việc hoàn toàn không có lợi ích trong công việc mà họ thực hiện và tất cả phải vì lợi ích của người có công việc được thực hiện. Nói cách khác, theo nghĩa này người thực hiện công việc không có bất kỳ lợi ích nào từ việc thực hiện công việc cho người khác. Nghĩa thứ hai là việc thực hiện hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc được thực hiện không loại trừ khả năng người tiến hành công việc cũng có lợi ích từ việc thực hiện tức là chế định này hoàn toàn có thể áp dụng khi người thực hiện có lợi trong việc thực hiện. Nghĩa thứ hai này là hướng giải quyết của thực tiễn xét xử. Hiện nay trong bộ luật mới đã bỏ đi từ “hoàn toàn”, tức vấn đề trên được hiểu theo cách hiểu thứ hai. Như vậy, rõ ràng sự thay đổi này là hoàn toàn phù hợp.
Don’t let what you cannot do interfere with what you can do. – John Wooden
Comments