Câu hỏi:
Gia đình tôi có mẹ, cha và 04 người là anh, chị, em
của tôi sinh sống tại Philippin, còn 02 người sinh sống tại Việt Nam. Năm 2016
cha tôi mất tại Philippin, tháng 7/2018 mẹ và các anh chị em tôi về nước để giải
quyết phần di sản là nhà, đất của cha tôi để lại. Chúng tôi đã đến Văn Phòng
công chứng nơi có di sản cũng là nơi chúng tôi sinh sống tại Việt Nam để làm thủ
tục phân chia di sản.
Chúng tôi đã đưa ra các giấy tờ: giấy chứng tử của
cha tôi, của ông bà nội, giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, hộ khẩu
thường trú, tạm trú, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở...cho
công chứng viên xem. Khi xem xong, công chứng viên trả lại giấy tờ cho chúng
tôi và nói là không thực hiện được vì cha tôi mất ở nước ngoài nên không ra nước
ngoài niêm yết được.
Chúng tôi nghĩ rằng nếu công chứng tư không làm được
thì đến Phòng công chứng của nhà nước. Tuy nhiên, công chứng viên cũng trả lại
giấy tờ cho chúng tôi và trả lời là không làm được vì cha tôi mất ở nước ngoài
không đi nêm yết việc phân chia di sản được.
Chúng tôi rất thất vọng và không biết phải làm sao.
Mẹ tôi đã lớn tuổi và các anh, chị, em của tôi không phải muốn về Việt Nam lúc
nào cũng được. Xin cho hỏi: chúng tôi phải làm thế nào, đến cơ quan nào để thực
hiện được việc phân chia di sản của cha để lại?
Trả lời:
Việc niêm yết thỏa thuận phân chia di sản thừa kế,
văn bản khai nhận di sản thừa kế được thực hiện theo quy định của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày
15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật công chứng (Điều 18).
“Điều 18. Niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa
thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản
1. Việc thụ lý
công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản phải
được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ
chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường
trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường
trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.
Trường hợp di sản
gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản thì việc
niêm yết được thực hiện theo quy định tại Khoản này và tại Ủy ban nhân dân cấp
xã nơi có bất động sản.
Trường hợp di sản
chỉ gồm có động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường
trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề
nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của
người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.
2. Nội dung niêm
yết phải nêu rõ họ, tên của người để lại di sản; họ, tên của những người thỏa
thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế; quan hệ của những người thỏa thuận
phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế với người để lại di sản thừa kế; danh mục
di sản thừa kế. Bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ
sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa
kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại,
tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết.
3. Ủy ban nhân
dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản việc
niêm yết trong thời hạn niêm yết.”
Theo đó, nơi niêm yết được xác định như sau: Trong
trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động
sản thì niêm yết tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của
người để lại di sản và tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.
Căn cứ vào quy định này thì có thể xác dịnh được nơi
niêm yết thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, văn bản khai nhận di sản thừa kế
đối với trường hợp này.
Comments